Mai là loại cây luôn luôn được ưa chuộng bởi chúng là loại cây mang đến nhiều giá trị về mặt thẩm mỹ và ý nghĩa và thường được sử dụng trang trí nhà trong những ngày lễ và nhất là dịp tết nguyên đán. Và vì vậy chúng là loại cây được những nhà nông lựa chọn nhiều để đầu tư trồng trọt. Vậy đất trồng mai cần đảm bảo điều kiện gì và chăm sóc như thế nào để mai có thể phát triển tốt? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết Những điều cơ bản về đất trồng mai mà bạn cần biết ngay dưới đây nhé!
1. Đôi điều về đất trồng mai
Đối với cây trồng nào cũng vậy, muốn cây sinh trưởng tốt thì quan trọng ở đất trồng và cách chăm sóc của người trồng. Đây là hai yếu tố chính để người dân đạt hiệu quả cao trong việc trồng trọt.
Xem thêm cách trồng mai vàng , quy trình, khoảng cách được chia sẻ bởi chuyên gia
1.1. Đặc điểm cây mai
Chúng ta chắc không còn lạ lẫm gì khi nhắc đến cây mai, một loại cây xuất hiện vào dịp tết nguyên đán, nhất là vùng phía nam nước ta. Cây mai là loại cây lâu năm, thân xù xì như dáng lại mang vẻ thanh cao và mềm mại, rễ cây phát triển rộng và lồi lõm, nhiều cành nhánh, lá nhỏ đan xen và hoa có màu vàng tươi, mọc theo từng chùm vào mỗi độ xuân về như một biểu tượng cho sự may mắn, thịnh vượng và an lành.
Mỗi cây thì thích nghi với một hệ sinh thái riêng và cây mai cũng vậy, chúng thích nghi với khí hậu nóng ẩm hơn là ở những vùng có khí hậu khô và lạnh. Chính vì vậy mà khu vực phía nam nước ta đã trở thành môi trường lý tưởng để cây mai phát triển.
Xem thêm Cách chăm sóc mai vàng ngày tết của người Việt Nam
1.2. Điều kiện đất trồng mai
Tuy mai là loại cây mang giá trị cao cho cuộc sống con người, nhưng chúng không phải là loài cây quá kén đất trồng. Tất nhiên ta nên tránh những loại đất như sau:
1.3. Loại đất không nên trồng mai
Đất bị nhiễm mặn và nhiễm phèn nặng hay đất có mạch nước ngầm khá lớn và tầng đất mặt mỏng thì cây mai không sống được. Hoặc nếu có sống được thì cây sinh trưởng kém, còi cọc và ra hoa rất ít.
Đất úng thủy, nơi hay bị dễ bị ngập lụt vì rễ cây mai lan ra rất rộng, nhất là rễ cái của cây, nếu gặp nước lâu ngày sẽ gây ra hiện tượng thối rễ khiến cây mai héo úa và chết dần.
1.4. Loại đất nên trồng mai
Bởi mai là loại cây khá dễ trồng nên với các loại đất thịt, đất cát pha, đất đỏ bazan, đất sét pha và đất phù sa đều là những loại đất phù hợp để trồng mai. Tuy nhiên phải đảm bảo đất không quá nghèo nàn chất dinh dưỡng và khô cằn đến nỗi cây cối không thể sinh trưởng được.
khu vực trồng mai phải có đủ nắng và cao ráo, vì vậy mà khi trồng mai người ta thường chọn vùng đất đồi, đất gò mà tránh những vùng đất trũng thấp vì rất dễ bị úng thủy.
2. Cách khắc phục vùng đất thấp trũng để trồng mai
Như chúng ta đã biết mai vàng là loại cây thích hợp với những vùng đất cao ráo, ấm áp và giàu dinh dưỡng và rất sinh trưởng ở vùng trũng thấp bởi rất dễ gây ngập úng mà khi bộ rễ của cây mai bị ngâm trong nước trong vài ngày nhất là rễ cái của cây sẽ làm cho cây vàng dần lá và chết đứng mà không có cách nào chữa được.
Vậy đối với những người dân ở những vùng trũng thấp muốn trồng cây mai thì cần phải làm thế nào để khắc phục được tình trạng ngập úng này, chúng ta hãy cùng tham khảo cách dưới đây:
Đối với vùng đất vùng trũng thấp việc làm liếp là giải pháp hữu hiệu nhất. Liếp còn gọi là bờ, đất lên liếp cho cao để khỏi ngập lụt vào mùa mưa hàng năm. Vì vậy những vùng đất trũng thấp muốn trồng mai thì phải lên liếp và vun đất cao lên. Độ cao của liếp sẽ phụ thuộc vào đất trồng có tầng đất mặt dày hay mỏng và số lượng liếp sẽ phụ thuộc vào số lượng cây mai cần trồng.
Khi làm liếp, chiều dài của mỗi liếp sẽ tùy vào sở thích và điều kiện của người trồng, còn chiều ngang của liếp nên đảm bảo 1m – 1.2m hoặc 1.2m – 1.5m để có thể trồng được vài hàng cây mai. Giữa hai liếp liên tiếp nhau ta nên để khoảng cách 0.5m – 0.8m để tiện cho người trồng chăm sóc cây mai.
Khi thiết kế vườn mai cũng ở những vùng trũng thấp cũng nên đào thêm mương rãnh và bồi cao ở phần đất trồng mai, đây sẽ vừa là nơi thoát nước hữu hiệu mỗi khi vào mùa mưa để tránh tình trạng ngập úng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây mai. Đồng thời mương rãnh cũng là nơi dự trữ nước để tưới cây vào những ngày khô hạn.
Ngoài lên liếp và bồi đất cao ra thì những khu vực trũng thấp người trồng có thể lựa chọn cách trồng mai ở chậu. Khi lựa chọn cách này sẽ có ưu điểm là ta có thể lựa chọn đất tốt để trồng mai và vào những mùa mưa dễ ngập úng thì kê cao chậu trồng mai lên. Tuy nhiên nhược điểm lớn của việc trồng mai ở chậu là tốn thêm chi phí đầu tư chậu để trồng vì vậy khó áp dụng khi muốn trồng với số lượng lớn.
Bài viết liên quan Hướng dẫn cách uốn mai vàng đẹp nhất
3. Cách chăm sóc khi trồng mai
Mỗi một loại cây trồng ngoài lựa chọn đất trồng tốt thì cần có một chế độ chăm sóc và điều kiện thuận lợi để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Ngay bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu xem trồng mai cần chăm sóc như thế nào để đạt hiệu quả cao nhé!
3.1. Ánh sáng và nhiệt độ
Cây mai là loại cây chịu được nhiệt, thích ứng với môi trường ấm áp và nhiều nắng. Vì vậy khi trồng mai ta nên chọn khoảng đất trồng rộng rãi và thoáng mát, quan trọng là khoảng đất đó được ánh nắng chiếu vào. Do đó cũng tránh lợp hay che bất cứ thứ gì ở khoảng đất trồng mai, nếu không nhận đủ ánh nắng cũng như ánh sáng thì cây mai sẽ sinh trưởng kém và trở nên còi cọc, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển làm hại cây.
Nhiệt độ để cây mai phát triển tốt nhất là 25 độ đến 30 độ, nếu nhiệt độ thấp dưới 10 độ cây sẽ phát triển kém hoặc sẽ ngừng phát triển. Tuy nhiên nhiệt độ trên 30 độ gây ra khô hạn kéo dài thì đất trồng cũng dễ nứt nẻ do thiếu nước cũng ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cây mai.
3.2. Hướng gió và lượng mưa
Cây mai thích hợp ở những vùng đất trồng thoáng mát, gió nhè nhẹ cùng với nắng ấm. Nhưng nếu gặp gió lớn kèm mưa bão thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cây mai. Tuy nhiên bộ rễ của cây mai khá chắc và đâm sâu xuống lòng đất nên sẽ khó có thể lật đổ được cây. Nhưng để cẩn thận phòng giông bão thì người trồng nên chủ động che chắn và bảo vệ cây đồng thời làm mương rãnh thoát nước trong mùa mưa bão, nhất là khi cây mai đang độ nở hoa.
3.3. Bón phân khi trồng cây mai
Dù cho trồng mai ở điều kiện thuận lợi và thích hợp để mai phát triển thì người trồng cũng không thể bỏ qua bước bón phân cho cây để cây có thể sinh trưởng và phát triển một cách toàn diện.
3.3.1. Bón phân lót khi trồng
Ta dùng 1kg – 2kg/gốc phân trùn quế và 50g – 100g phân lân trộn đều lên và trong vào trong hố đất trồng cây con, còn nếu trồng cây mai trong chậu thì dựa vào độ to của chậu để cho lượng phân lót hợp lý. Sau đó đặt cây con vào hố đã bón phân lót và lấp đất phủ hết bầu rễ của cây mai.
3.3.2. Bón phân thúc khi trồng
Sau 10 – 15 ngày trồng tức là cây con bắt đầu ra rễ ta hòa loãng phân NPK tỉ lệ 20 – 20 – 15 tưới cho cây, pha 50g – 100g vào 10l – 15l nước và khoảng 20 – 30 ngày tưới cây 1 lần. Khi mai lớn thì tăng lượng phân tưới lên đồng thời tiếp tục bón phân trùn quế để cây có thể hấp thụ phân NPK tốt hơn.
3.3.3. Bón phân khi mai đã ra hoa
Lúc này ta bón phân hữu cơ khoảng 5kg – 10kg/gốc cùng với phân NPK 20g – 40g/ gốc vào các thời điểm sau khi đợt hoa tàn ( tức là sau tết nguyên đán ), sau khi tỉa cành, đầu mùa mưa và giữa mùa mưa, trước 1 tháng khi hoa mai nở. Quan trọng là giữ thoáng gốc vào mùa mưa và làm ẩm vào mùa khô để cây có đủ điều kiện để phát triển.
Chọn đất trồng mai phù hợp cùng với việc chăm sóc đúng cách chắc chắn chúng ta sẽ có một vườn mai ngập tràn ánh vàng để chào đón tết nguyên đán. Hy vọng qua bài viết trên đã giải đáp được những băn khoăn về việc chọn đất trồng mai và cách chăm sóc cơ bản cho những cây mai của bạn.